1. Trang chủ
  2. Các bút toán định kỳ, cuối kỳ

Các bút toán định kỳ, cuối kỳ

  •  
  •  
  •  
  •  

Ngày đăng: 11/03/2021 – Ngày cập nhật: 14/06/2021

Video hướng dẫn: “Link”.

1. Giới thiệu chung

Tài liệu này giới thiệu về lập các bút toán định kỳ/cuối kỳ trong phần mềm Fast Accounting (FA).

Trong tài liệu hướng dẫn sử dụng đã có hướng dẫn chi tiết về các bút toán này. Tuy nhiên hướng dẫn này nằm rải rác ở nhiều phân hệ và thiên về hướng dẫn các thao tác dành cho người bắt đầu sử dụng. Còn trong tài liệu này thì trình bày chung trong một tài liệu và thiên về hướng dẫn cho người đã có kinh nghiệm hơn. 

Hàng ngày kế toán thực hiện lập các bút toán phát sinh hàng ngày như thu, chi  (tiền mặt, tiền gửi), mua bán, nhập xuất kho…

Đến cuối tháng thì thực hiện lập tính toán các bút toán định kỳ (một lần vào cuối tháng), tính toán giá thành, lập các bút toán kết chuyển/khóa sổ cuối kỳ và cuối cùng là lên các báo cáo tài chính.

Các bút toán hạch toán/phân bổ chi phí định kỳ về lương, khấu hấu tscđ, chi phí CCDC và các chi phí trả trước phân bổ định kỳ:

    1. Bút toán chi phí lương và các khoản chi phí bảo hiểm theo lương
    2. Bút toán phân bổ khấu hao TSCĐ
    3. Bút toán phân bổ chi phí CCDC. Trong trường hợp CCDC có lưu kho và giá xuất kho tính vào cuối tháng thì thực hiện tính và  áp giá xuất kho trước.
    4. Bút toán phân bổ chi phí định kỳ.

      Đối với các doanh nghiệp thương mại, xây lắp, sản xuất có tính giá vật tư, hàng hóa, thành phẩm vào cuối tháng thì thực hiện hiện tính toán và áp giá xuất cho các phiếu xuất kho:

    5. Áp giá xuất kho (nếu tính giá vào cuối tháng).

      Đối với các doanh nghiệp xây lắp và sản xuất thì thực hiện tính và hạch toán liên quan đến giá thành công trình xây lắp, sản phẩm sản xuất:

    6. Tính và hạch toán giá thành (giá thành sản xuất/giá thành dự án, công trình).

      Đối với các doanh nghiệp có phát sinh ngoại tệ thì thực hiện đánh giá và lập bút toán chênh lệch tỷ giá cuối kỳ khi lập báo cáo tài chính:

    7. Bút toán chênh lệch tỷ giá cuối kỳ (nếu có)

      Và cuối cùng là thực hiện các bút toán kết chuyển/khóa sổ cuối kỳ

    8. Kết chuyển thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
    9. Kết chuyển doanh thu, chi phí để xác định KQKD.
    10. Hạch toán và kết chuyển chi phí thuế TNDN.
    11. Kết chuyển lãi (lỗ) cuối kỳ.

    Lưu ý: Các mục 5, 6 sẽ trình bày trong tài liệu riêng mà không trình bày ở đây.

2. Bút toán chi phí lương và các khoản chi phí bảo hiểm theo lương

Video hướng dẫn:

Vào cuối mỗi kỳ cần phải tính lương và các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn liên quan và cập nhật vào phần mềm.

Thực hiện tại menu: Tổng hợp/Phiếu kế toán.

Ví dụ: Hạch toán lương và các khoản bảo hiểm trích theo lương như BHXH, BHYT, BHTN và KPCĐ T12/2020 cho bộ phận bán hàng và văn phòng.Tạo phiếu kế toán ghi nhận nghiệp vụ phát sinh.

Lưu ý: 

  • Bút toán hạch toán lương và các khoản bảo hiểm, kpcđ liên quan gồm nhiều nhóm định khoản nợ/có. Dùng trường “Nhóm đk” để phân biệt các nhóm định khoản.
  • Các bút toán giữa các tháng là giống nhau, chỉ khác về giá trị tiền phát sinh nên có thể dùng lọc bút toán của tháng trước và dùng chức năng copy để tạo bút toán của tháng mới và sửa lại cột phát sinh nợ có.

3. Tính và lập bút toán phân bổ khấu hao TSCĐ

Video hướng dẫn

Cuối mỗi kỳ (tháng) ta phải thực hiện lần lượt các bước để tính và lập bút toán phân bổ khấu hao TSCĐ cho các đối tượng sử dụng – đối tượng hạch toán chi phí:

  • B1. Tính (trích) khấu hao. 

Tính toán giá trị khấu hao trong kỳ của từng tài sản.

Nếu trong kỳ tài sản được luân chuyển đi qua 2 hay nhiều bộ phận sử dụng thì phải tính khấu hao của tài sản đó ở từng bộ phận sử dụng.

  • B2. Điều chỉnh giá trị khấu hao (nếu có). 

Thực hiện điều chỉnh giá trị khấu hao của tài sản được tính ở bước trên trong trường hợp cần thiết vì một lý do nào đó. 

  • B3. Phân bổ khấu hao.

Một tài sản có thể được sử dụng cho nhiều đối tượng chi phí. 

Đối tượng chi phí ở đây có thể là tài khoản hạch toán chi phí khấu hao (tk 6274, 6414, 6424), bộ phận hạch toán, dự án công trình, sản phẩm…

Vì vậy cần thực thực hiện phân bổ giá trị khấu hao được tính toán, điều chỉnh ở 2 bước trên cho các đối tượng nhận chi phí (có sử dụng tài sản).

  • B4. Lập bút toán phân bổ khấu hao.

Tổng hợp số liệu phân bổ khấu hao của các tài sản theo từng đối tượng nhận chi phí tạo bút toán hạch toán vào sổ cái.

3.1. Tính khấu hao TSCĐ

Khấu hao được tính chi tiết cho từng tài sản, từng bộ phận sử dụng.

Trong trường hợp tài sản có thay đổi giá trị theo thời gian (tăng, giảm) thì chương trình sẽ tính khấu hao riêng cho từng dòng thay đổi (tăng, giảm).

Nếu có điều chuyển bộ phận sử dụng trong 1 kỳ thì với mỗi bộ phận sử dụng sẽ được tính riêng cho từng bộ phận.

Chương trình có thể tính được cho trường hợp điều chuyển “không nguyên kỳ”, nhiều lần điều chuyển trong 1 kỳ.

Giá trị khấu hao kỳ được tính dựa vào cột “Gt k.hao 1 kỳ” đã khai báo tại menu Khai báo TCSĐ.

Và cột “Gt k.hao 1 kỳ” đã khai báo tại menu Khai báo thay đổi TSCĐ (nếu có điều chỉnh tăng/giảm giá trị tài sản).

Khi tính toán sẽ tính chính xác đến từng ngày – tùy thuộc vào thời gian bắt đầu khấu hao, thời gian sử dụng ở từng bộ phận do điều chuyển, thời gian tạm dừng khấu hao nếu có.

Lưu ý:

Chương trình sẽ đưa giá trị còn lại sau khi khấu hao vào giá trị khấu hao kỳ tính toán nếu giá trị còn lại này nhỏ hơn 1 số nào đó. Giá trị còn lại bị nhỏ có thể do làm tròn, do thời gian sử dụng không tính trọn kỳ…

Khi khai báo TSCĐ, tại trường “Giá trị còn lại đưa vào kỳ cuối nếu <=” (nhỏ hơn hoặc bằng) ta khai báo giá trị nêu trên.

Tính khấu hao thực hiện tại menu: Tài sản cố định\Tính khấu hao

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>

Kiểm tra số liệu sau khi tính khấu hao

Sau khi thực hiện tính khấu hao, chương trình hiển thị kết quả tính. Có thể xuất ra excel để kiểm tra.

Ngoài ra, ta cũng có thể lên báo cáo bảng tính khấu hao tài sản để kiểm tra.

Báo cáo có thể xem/in tại menu “Tài sản cố định\Báo cáo khấu hao TSCĐ\Bảng tính khấu hao TSCĐ”. 

3.2. Điều chỉnh, xóa khấu hao TSCĐ

Menu này được sử dụng trong trường hợp sau khi đã tính toán được giá trị khấu hao kỳ của từng tài sản ở bước Tính khấu hao TSCĐ, và có nhu cầu cần điều chỉnh hoặc xóa giá trị khấu hao kỳ của từng TSCĐ.

“Giá trị điều chỉnh” sẽ thay thế “Giá trị khấu hao kỳ” cho dòng được điều chỉnh, chứ không phải cộng/trừ vào giá trị khấu hao kỳ.

Sau khi điều chỉnh khấu hao, nếu thực hiện tính lại khấu hao của kỳ đó thì chương trình sẽ không tính lại cho các tài sản đã được điều chỉnh. Nếu muốn tính lại khấu hao cho các tài sản này thì phải thực hiện xóa các dòng tài sản đã có giá trị điều chỉnh trước đó tại màn hình Điều chỉnh, xóa khấu hao TCSĐ.

Điều chỉnh, xóa khấu hao thực hiện tại menu: Tài sản cố định\Điều chỉnh, xóa khấu hao.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link> 

Kiểm tra số liệu sau khi điều chỉnh, xóa khấu hao

Sau khi thực hiện điều chỉnh khấu hao cho 1 TSCĐ, tại màn hình Điều chỉnh, xóa khấu hao, chương trình hiển thị Giá trị điều chỉnh và Giá trị còn lại 2 – giá trị còn lại sau khi điều chỉnh.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in báo cáo bảng tính khấu hao tài sản để kiểm tra giá trị khấu hao kỳ của tài sản đã được điều chỉnh, xóa đã thể hiện chính xác chưa.  

Đường dẫn: “Tài sản cố định\Báo cáo khấu hao TSCĐ\Bảng tính khấu hao TSCĐ”.

3.3. Phân bổ khấu hao TSCĐ

Thực hiện phân bổ khấu hao của từng tài sản ở từng bộ phận sử dụng cho các đối tượng nhận chi phí dựa vào số liệu trích khấu hao đã được tính và điều chỉnh ở 2 phần trên.

Lưu ý: 

  • Nếu một tài sản ở một bộ phận sử dụng được sử dụng trực tiếp và toàn bộ cho đối tượng được cập nhật khi khai báo tài sản hoặc cập nhật khi khai báo điều chuyển bộ phận sử dụng của tài sản thì không phải khai báo hệ số phân bổ. Khi này chương trình sẽ lấy các thông tin khai báo tại menu Khai báo TCSĐ để tạo số liệu phân bổ (trích) khấu hao.
  • Nếu một tài sản ở một bộ phận sử dụng được sử dụng (phân bổ) cho nhiều đối tượng hạch toán chi phí (tk, bộ phận hạch toán, dự án, sản phẩm…) thì cần phải khai báo hệ số phân bổ khấu hao cho các đối tượng này. Khai báo tại menu Khai báo hệ số phân bổ khấu hao. Khai báo thực hiện trước khi tính phân bổ khấu hao.

Phân bổ khấu hao được thực hiện tại menu: Tài sản cố định\Bút toán khấu hao\Phân bổ khấu hao.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link> 

Kiểm tra số liệu sau khi phân bổ khấu hao

Sau khi thực hiện tính toán phân bổ khấu hao, chương trình hiển thị màn hình phân bổ khấu hao. Có thể xuất ra excel để kiểm tra.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in số liệu khấu hao đã phân bổ cho các bộ phận sử dụng hoặc các đối tượng khác tại menu “Tài sản cố định\Báo cáo khấu hao TSCĐ\Bảng kê phân bổ khấu hao TSCĐ”.

3.4. Lập bút toán phân bổ khấu hao TSCĐ

Thực hiện tạo bút toán phân bổ khấu hao (hạch toán Nợ 6xx4/Có 214) dựa vào số liệu phân bổ khấu hao.

Số liệu sẽ được nhóm (cộng) theo tài khoản chi phí tương ứng và các đối tượng phân bổ như mã bộ phận hạch toán, mã dự án, mã sản phẩm… và không chi tiết theo từng mã tài sản. 

Lập bút toán phân bổ khấu hao thực hiện tại menu: Tài sản cố định\Bút toán khấu hao\Tạo bút toán phân bổ khấu hao.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link> 

Kiểm tra số liệu sau khi tạo bút toán phân bổ khấu hao

Sau khi tạo bút toán, chương trình cập nhật giá trị cột “Tiền pb đã chuyển”.

Trong trường hợp số liệu gốc có thay đổi, ví dụ tính lại số liệu phân bổ, thì 2 cột “Tiền pb” và “Tiền pb đã chuyển” sẽ khác nhau, khi đó ta phải thực hiện tạo lại bút toán phân bổ. 

Ta cũng có thể xem/in tại báo cáo Sổ chi tiết của một tài khoản (tk 214) để kiểm tra số liệu khấu hao đã được phân bổ và hạch toán vào các tài khoản chi phí tương ứng.

Đường dẫn: Tổng hợp/Tra cứu số liệu/Sổ chi tiết của một tài khoản.

Lưu ý: Có thể xem/in số liệu tổng hợp phân bổ khấu hao của các tài sản tại báo cáo Bảng tổng hợp phân bổ khấu hao TSCĐ và dựa vào số liệu của báo cáo này để tự lập (nhập) bút toán khấu hao tại màn hình “Tổng hợp/Phiếu kế toán”.

Đường dẫn báo cáo: Tài sản cố định\Báo cáo khấu hao TSCĐ\Bảng tổng hợp phân bổ khấu hao TSCĐ.

4. Tính và lập bút toán phân bổ chi phí CCDC

Video hướng dẫn:
Cuối mỗi kỳ (tháng) ta phải thực hiện lần lượt các bước để tính và lập bút toán phân bổ chi phí CCDC cho các đối tượng sử dụng – đối tượng hạch toán chi phí:

  • B1. Tính (trích) chi phí CCDC.

Tính toán chi phí chi tiết cho từng số thẻ công cụ được khai báo.

Nếu trong kỳ thẻ công cụ được luân chuyển đi qua 2 hay nhiều bộ phận sử dụng thì phải tính chi phí của thẻ công cụ đó ở từng bộ phận sử dụng.

  • B2. Điều chỉnh chi phí CCDC (nếu có). 

Thực hiện điều chỉnh chi phí của thẻ công cụ được tính ở bước trên trong trường hợp cần thiết vì một lý do nào đó. 

  • B3. Phân bổ chi phí CCDC.

Một thẻ công cụ có thể được sử dụng cho nhiều đối tượng chi phí. 

Đối tượng chi phí ở đây có thể là tài khoản hạch toán chi phí (tk 6273, 6413, 6423), bộ phận hạch toán, dự án công trình, sản phẩm…

Vì vậy cần thực thực hiện phân bổ chi phí được tính toán, điều chỉnh ở 2 bước trên cho các đối tượng nhận chi phí (có sử dụng công cụ).

  • B4. Lập bút toán phân bổ chi phí CCDC.

Tổng hợp số liệu phân bổ chi phí của các thẻ công cụ theo từng đối tượng nhận chi phí tạo bút toán hạch toán vào sổ cái.

4.1. Tính chi phí CCDC

Mỗi kỳ đều cần phải tính chi phí cho công cụ dụng cụ, chi phí này được tính chi tiết cho từng số thẻ công cụ được khai báo.

Nếu có điều chuyển bộ phận sử dụng trong 1 kỳ thì với mỗi bộ phận sử dụng sẽ được tính chi tiết cho từng dòng giá trị.

Chương trình có thể tính được cho trường hợp điều chuyển “không nguyên kỳ”, nhiều lần điều chuyển trong 1 kỳ.

Chi phí CCDC kỳ được tính dựa theo cột “Gt p.bổ 1 kỳ” được khai báo tại menu Khai báo CCDC.

Khi tính toán sẽ tính chính xác đến từng ngày – tùy thuộc vào thời gian phân bổ, thời gian sử dụng ở từng bộ phận do điều chuyển, thời gian tạm dừng phân bổ nếu có.

Lưu ý:

  • Chương trình sẽ đưa giá trị còn lại sau khi đã tính chi phí vào giá trị phân bổ kỳ tính toán nếu giá trị còn lại này nhỏ hơn 1 số nào đó. Giá trị còn lại bị nhỏ có thể do làm tròn, do thời gian sử dụng không tính trọn kỳ…
  • Khi khai báo CCDC, tại trường “Giá trị còn lại đưa vào p.bổ kỳ cuối nếu <=” (nhỏ hơn hoặc bằng) ta khai báo giá trị nêu trên.

  • Trong trường hợp có điều chuyển CCDC qua nhiều bộ phận sử dụng mà số lượng điều chuyển khác với số lượng của 1 thẻ công cụ đã khai báo trước đó thì nên khai báo mỗi CCDC (số lượng) một thẻ thẻ CCDC riêng ngay ban đầu để tiện theo dõi và tính toán.
  • Ngoài ra, chương trình chưa có chức năng điều chỉnh tăng/giảm CCDC. Vì vậy, trong quá trình trích chi phí CCDC, nếu có phát sinh trường hợp cần điều chỉnh tăng/giảm giá trị CCDC thì sẽ tự lập bút toán để hạch toán giá trị điều chỉnh này đưa vào chi phí. Hạch toán tại tại màn hình “Tổng hợp/Phiếu kế toán”.

Menu thực hiện tại tính chi phí CCDC: Công cụ dụng cụ\Tính chi phí CCDC.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>

Kiểm tra số liệu sau khi tính chi phí CCDC

Sau khi thực hiện tính chi phí CCDC, chương trình hiển thị kết quả tính. Có thể xuất ra excel để kiểm tra.

Ngoài ra, ta cũng có thể lên báo cáo bảng tính chi phí CCDC để kiểm tra.

Báo cáo có thể xem/in tại menu “Công cụ dụng cụ\Báo cáo phân bổ CCDC\Bảng tính chi phí CCDC”.

4.2. Điều chỉnh, xóa chi phí CCDC

Menu này được sử dụng trong trường hợp sau khi đã tính toán được chi phí CCDC kỳ của từng số thẻ công cụ ở bước Tính chi phí CCDC, và có nhu cầu cần điều chỉnh hoặc xóa chi phí của từng CCDC.

“Giá trị điều chỉnh” sẽ thay thế “Giá trị p.bổ kỳ” cho dòng được điều chỉnh, chứ không phải cộng/trừ vào giá trị phân bổ kỳ.

Sau khi điều chỉnh chi phí, nếu thực hiện tính lại chi phí của kỳ đó thì chương trình sẽ không tính lại cho các số thẻ công cụ đã được điều chỉnh. Nếu muốn tính lại chi phí phân bổ kỳ cho các thẻ công cụ này thì phải thực hiện xóa các dòng công cụ đã có giá trị điều chỉnh trước đó tại màn hình Điều chỉnh, xóa chi phí CCDC.

Điều chỉnh, xóa chi phi CCDC thực hiện tại menu: Công cụ dụng cụ\Điều chỉnh, xóa chi phí CCDC.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link> 

Kiểm tra số liệu sau khi điều chỉnh, xóa chi phí CCDC

Sau khi thực hiện điều chỉnh chi phí cho 1 thẻ CCDC, tại màn hình Điều chỉnh, xóa chi phí CCDC, chương trình hiển thị Giá trị điều chỉnh và Giá trị còn lại 2 – giá trị còn lại sau khi điều chỉnh.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in báo cáo bảng tính chi phí CCDC để kiểm tra chi phí phân bổ của các thẻ công cụ đã được điều chỉnh, xóa đã thể hiện chính xác chưa.  

Đường dẫn: “Công cụ dụng cụ\Báo cáo phân bổ CCDC\Bảng tính chi phí CCDC”.

4.3. Phân bổ chi phí CCDC

Thực hiện phân bổ chi phí của từng thẻ công cụ ở từng bộ phận sử dụng cho các đối tượng nhận chi phí dựa vào số liệu phân bổ (trích) chi phí đã được tính và điều chỉnh ở 2 phần trên.

Lưu ý

  • Nếu một thẻ công cụ ở một bộ phận sử dụng được sử dụng trực tiếp và toàn bộ cho đối tượng được cập nhật khi khai báo công cụ hoặc cập nhật khi khai báo điều chuyển bộ phận sử dụng của công cụ thì không phải khai báo hệ số phân bổ. Khi này chương trình sẽ lấy các thông tin khai báo tại menu Khai báo CCDC để tạo số liệu phân bổ (trích) chi phí.

  • Nếu một thẻ công cụ ở một bộ phận sử dụng được sử dụng (phân bổ) cho nhiều đối tượng hạch toán chi phí (tk, bộ phận hạch toán, dự án, sản phẩm…) thì cần phải khai báo hệ số phân bổ chi phí cho các đối tượng này. Khai báo tại menu Khai báo hệ số phân bổ chi phí. Khai báo thực hiện trước khi tính phân bổ chi phí.

Phân bổ chi phí CCDC được thực hiện tại menu: Công cụ dụng cụ\Bút toán phân bổ chi phí\Phân bổ chi phí.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link> 

Kiểm tra số liệu sau khi phân bổ chi phí

Sau khi thực hiện tính toán phân bổ chi phí CCDC, chương trình hiển thị màn hình phân bổ chi phí. Có thể xuất ra excel để kiểm tra.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in số liệu chi phí đã phân bổ cho các bộ phận sử dụng hoặc các đối tượng khác tại menu “Công cụ dụng cụ\Báo cáo phân bổ CCDC\Bảng kê phân bổ chi phí CCDC”.

4.4. Lập bút toán phân bổ chi phí CCDC

Thực hiện tạo bút toán phân bổ chi phí (hạch toán Nợ 6xx3/Có 242) dựa vào số liệu phân bổ chi phí.

Số liệu sẽ được nhóm (cộng) theo tài khoản chi phí tương ứng và các đối tượng phân bổ như mã bộ phận hạch toán, mã dự án, mã sản phẩm… và không chi tiết theo từng mã công cụ. 

Lập bút toán phân chi phí CCDC thực hiện tại menu: Công cụ dụng cụ\Bút toán phân bổ chi phí\Tạo bút toán phân bổ chi phí.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link> 

Kiểm tra số liệu sau khi tạo bút toán phân bổ chi phí

Sau khi tạo bút toán, chương trình cập nhật giá trị cột “Tiền pb đã chuyển”.

Trong trường hợp số liệu gốc có thay đổi, ví dụ tính lại số liệu phân bổ, thì 2 cột “Tiền pb” và “Tiền pb đã chuyển” sẽ khác nhau, khi đó ta phải thực hiện tạo lại bút toán phân bổ chi phí. 

Ta cũng có thể xem/in tại báo cáo Sổ chi tiết của một tài khoản (tk 242) để kiểm tra số liệu chi phí CCDC đã được phân bổ và hạch toán vào các tài khoản chi phí tương ứng.

Đường dẫn: Tổng hợp/Tra cứu số liệu/Sổ chi tiết của một tài khoản.

Lưu ý: Có thể xem/in số liệu tổng hợp phân bổ chi phí của các công cụ tại báo cáo Bảng tổng hợp phân bổ chi phí CCDC và dựa vào số liệu của báo cáo này để tự lập (nhập) bút toán khấu hao tại màn hình “Tổng hợp/Phiếu kế toán”.

Đường dẫn báo cáo: Công cụ dụng cụ\Báo cáo phân bổ CCDC\Bảng tổng hợp phân bổ chi phí CCDC.

5. Lập bút toán phân bổ chi phí định kỳ

Video hướng dẫn:

Trong năm có phát sinh một số chi phí trả trước cho nhiều kỳ như chi phí quảng cáo, chi phí kết nối internet… Các khoản chi phí này cần được khai báo để phân bổ chi phí định kỳ cho các đối tượng sử dụng – đối tượng hạch toán chi phí. Khoản chi phí này được phân bổ đều cho các kỳ, dựa vào “Giá trị p.bổ kỳ” được khai báo tại menu Khai báo bút toán phân bổ định kỳ.


Sau khi khai báo bút toán thì thực hiện lập bút toán phân bổ chi phí định kỳ (hạch toán Nợ 6xx7/Có 242).
Số liệu sẽ được phân bổ theo từng mã bút toán, tương ứng với tài khoản nợ/có đã khai báo và các đối tượng phân bổ chi phí khác như mã bộ phận hạch toán, mã dự án, mã sản phẩm … (nếu có). Lưu ý: Chương trình chỉ tính được cho trường hợp phân bổ chi phí tròn kỳ.Lập bút toán phân chi phí định kỳ thực hiện tại menu: Tổng hợp/ Bút toán phân bổ cuối kỳ/ Bút toán phân bổ chi phí định kỳ.Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>Kiểm tra số liệu bút toán đã tạo

Sau khi tạo bút toán, chương trình cập nhật thông tin như quyển c.từ, số c.từ xuống dưới màn hình chi tiết của từng bút toán (Tk nợ/có, tiền phân bổ chi phí định kỳ đã được cập nhật từ khai báo bút toán phân bổ chi phí định kỳ).

Sau khi tạo bút toán, người dùng có thể kiểm tra lại số liệu dễ dàng và nhanh chóng ngay tại màn hình “Bút toán phân bổ chi phí định kỳ” bằng cách in bút toán để đối chiếu.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in tại báo cáo Sổ chi tiết của một tài khoản (tk 242) để kiểm tra số liệu chi phí định kỳ đã được phân bổ và hạch toán vào các tài khoản chi phí tương ứng.

Đường dẫn: Tổng hợp/Tra cứu số liệu/Sổ chi tiết của một tài khoản.

6. Tính và lập bút toán chênh lệch tỷ giá cuối kỳ (nếu có)

Video hướng dẫn:

Trường hợp doanh nghiệp có số dư ngoại tệ thì mỗi khi lập báo cáo tài chính thì cần đánh giá lại nguyên tệ theo tỷ giá cuối kỳ – vào thời điểm lập báo cáo tài chính. Chênh lệch giữa số dư sổ sách và số tiền quy đổi được hạch toán vào tk 4131.

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp có phát sinh nghiệp vụ ngoại tệ về các khoản ứng trước, chương trình cho phép không/có đánh giá chênh lệch tỷ giá cho các khoản ứng trước này dựa vào khai báo tại tham số hệ thống, tab Tổng hợp, Stt 325 – Đánh giá chênh lệch tỷ giá cho các khoản ứng trước.

Có 2 lựa chọn:

  • 0 – Không: Không thực hiện đánh giá chênh lệch tỷ giá cho các khoản ứng trước.
  • 1 – Có: Có thực hiện đánh giá chênh lệch tỷ giá cho các khoản ứng trước.

Chương trình ngầm định là 1.

Trước khi thực hiện chức năng này cần khai báo bút toán chênh lệch tỷ giá cuối kỳkhai báo tỷ giá cuối kỳ.

Sau khi đánh giá lại nguyên tệ ở các tài khoản theo tỷ giá cuối kỳ thì kế toán kết chuyển toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá được đánh giá lại vào chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá) – hạch toán Nợ 635/Có 4131 – hoặc doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá) – hạch toán Nợ 4131/Có 515. Tiếp theo kết chuyển từ tk 515 hoặc 635 vào tk 911 để xác định kết quả hoạt động kinh doanh.

Lập bút toán chênh lệch tỷ giá cuối kỳ được thực hiện tại menu: Tổng hợp\Chênh lệch tỷ giá cuối kỳ\Bút toán chênh lệch tỷ giá cuối kỳ.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>

Kiểm tra số liệu bút toán đã tạo

Sau khi tạo bút toán, chương trình cập nhật thông tin như quyển c.từ, số c.từ ở màn hình các bút toán và cập nhật xuống dưới màn hình chi tiết của từng bút toán Tk nợ/có, tiền chênh lệch đánh giá lại tỷ giá…

Ta có thể in/kết xuất bút toán ra excel để kiểm tra số liệu dễ dàng.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in tại báo cáo Sổ chi tiết của một tài khoản (tk 4131) để kiểm tra tiền chênh lệch do đánh giá lại tỷ giá được hạch toán tương ứng với các tài khoản tiền/công nợ.

Đường dẫn: Tổng hợp/Tra cứu số liệu/Sổ chi tiết của một tài khoản.

Dựa vào số dư cuối kỳ của tk 413 khi xem báo cáo này để tự lập (nhập) bút toán kết chuyển khoản chênh lệch tỷ giá được đánh giá lại vào chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá) hoặc doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá) để xác định kết quả hoạt động kinh doanh.

Bút toán này được hạch toán tại màn hình “Tổng hợp/Phiếu kế toán”.

7. Lập bút toán kết chuyển thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Video hướng dẫn:

Cuối mỗi kỳ, ta thực hiện bù trừ giữa số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ với số thuế GTGT đầu ra phát sinh phải nộp trong kỳ và ghi nhận hạch toán Nợ tk 3331/Có tk 133.

Trước khi thực hiện cần khai báo bút toán kết chuyển thuế GTGT.Lập bút toán kết chuyển thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thực hiện tại menu: Tổng hợp\Bút toán kết chuyển cuối kỳ\Bút toán kết chuyển cuối kỳ. 

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>.

Kiểm tra số liệu bút toán đã tạo

Sau khi tạo bút toán thành công, chương trình cập nhật thông tin như quyển c.từ, số c.từ ở màn hình các bút toán và cập nhật xuống dưới màn hình chi tiết của bút toán các dòng phát sinh chi tiết có Tk nợ/có, tiền phát sinh, nhóm định khoản.

Ta có thể in/kết xuất bút toán ra excel để kiểm tra số liệu dễ dàng.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in tại báo cáo Sổ chi tiết của một tài khoản (tk 133) để kiểm tra tiền thuế GTGT được khấu trừ.

Đường dẫn: Tổng hợp/Tra cứu số liệu/Sổ chi tiết của một tài khoản.

8. Lập bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí để xác định kết quả kinh doanh

Video hướng dẫn:

Cuối kỳ kế toán cần thực hiện các bút toán kết chuyển các khoản giảm trừ doanh thu, kết chuyển doanh thu, kết chuyển giá vốn và các chi phí bán hàng, quản lý.

Thực hiện tính toán và tạo các bút toán kết chuyển cuối kỳ theo khai báo các bút toán kết chuyển cuối kỳ đã tạo sẵn:

  • Kết chuyển các khoản giảm trừ doanh thu: Tk 521 ⇒ Tk 511
  • Kết chuyển doanh thu: Tk 511 ⇒ Tk 911, Tk 515 ⇒ Tk 911, Tk 711 ⇒ Tk 911
  • Kết chuyển giá vốn: Tk 632 ⇒ Tk 911, Tk 635 ⇒ Tk 911
  • Kết chuyển chi phí bán hàng, quản lý…: Tk 641, 642 ⇒ Tk 911, Tk 811 ⇒ Tk 911

Trước khi thực hiện cần Khai báo các bút toán kết chuyển cuối kỳ.

Lập các bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí thực hiện tại menu: Tổng hợp\Bút toán kết chuyển cuối kỳ\Bút toán kết chuyển cuối kỳ.

Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>.

Kiểm tra số liệu bút toán đã tạo

Sau khi tạo bút toán thành công, chương trình cập nhật thông tin như quyển c.từ, số c.từ ở màn hình các bút toán và cập xuống dưới màn hình chi tiết của từng bút toán các dòng phát sinh chi tiết có Tk nợ/có, tiền phát sinh, nhóm định khoản.

Ta có thể in/kết xuất bút toán ra excel để kiểm tra số liệu dễ dàng.

Ngoài ra, cũng có thể xem/in số liệu trên báo cáo bảng cân đối phát sinh của các tài khoản, đường dẫn: Tổng hợp/Báo cáo tài chính/Bảng cân đối phát sinh của các tài khoản.

Đối với các tài khoản đầu 5, 6, 7, 8, 9 sau khi kết chuyển cuối kỳ sẽ không có số dư bên nợ/có.

Để xem số liệu phát sinh chi tiết của 1 tài khoản, ta chọn tài khoản cần xem, sau đó nhấn vào nút “Xem tổng phát sinh theo tk đối ứng” để kiểm tra số liệu của tài khoản đó.

9. Tính và hạch toán chi phí thuế TNDN, lập bút toán kết chuyển chi phí tính thuế TNDN

Video hướng dẫn:

Sau khi thực hiện hiện kết chuyển doanh thu, chi phí xác định kết quả kinh doanh và có kết quả lợi nhuận trước thuế (tk 911) thì thực hiện tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp – Nợ 8211/Có 3334.

Ví dụ: sau khi thực hiện kết chuyển doanh thu, chi phí xác định kết quả kinh doanh năm 2020 có lợi nhuận trước thuế là 1.738.438.092 đồng, thực hiện tính thuế TNDN theo thuế suất quy định là 20%, chi phí thuế TNDN là 347.687.618 đồng.Lập phiếu kế toán ghi nhận nghiệp vụ tính chi phí thuế TNDN phải nộp năm 2020.

Tiếp theo thực hiện kết chuyển chi phí thuế TNDN (Nợ tk 911/Có tk 8211) để xác định kết quả kinh doanh cuối kỳ.

10. Lập bút toán kết chuyển lãi (lỗ) cuối kỳ

Video hướng dẫn:

Sau khi đã xác định kết quả kinh doanh và tính thuế TNDN phải nộp, ta thực hiện bút toán kết chuyển lãi (lỗ) cuối kỳ (Nợ tk 911/ Có tk 4212) để xác định lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay.

Trước khi thực hiện cần Khai báo các bút toán kết chuyển cuối kỳ.

Lập bút toán kết chuyển lãi (lỗ) cuối kỳ thực hiện tại menu: Tổng hợp\Bút toán kết chuyển cuối kỳ\Bút toán kết chuyển cuối kỳ.Hướng dẫn xem chi tiết tại <link>.

Lưu ý: Ta cũng có thể dựa vào số dư cuối kỳ của tk 911 khi xem/in báo cáo Sổ chi tiết 1 tài khoản (tk 911) để tự lập (nhập) bút toán kết chuyển lãi (lỗ) cuối kỳ tại màn hình “Tổng hợp/Phiếu kế toán”.

Kiểm tra số liệu bút toán đã tạo

Sau đó thực hiện tạo bút toán thành công, chương trình cập nhật thông tin như quyển c.từ, số c.từ ở màn hình các bút toán và cập xuống dưới màn hình chi tiết của bút toán các dòng phát sinh chi tiết có tk nợ/có, tiền phát sinh, nhóm định khoản.

Ta có thể in/kết xuất bút toán ra excel để kiểm tra số liệu dễ dàng.

Ngoài ra, ta cũng có thể xem/in tại báo cáo Sổ chi tiết của một tài khoản (tk 911) để kiểm tra số liệu.

Đường dẫn: Tổng hợp/Tra cứu số liệu/Sổ chi tiết của một tài khoản.

Bài viết này hữu ích chứ?

Tổng đài tư vấn
Bạn vẫn còn thắc mắc chưa được giải đáp? Hãy liên hệ với chúng tôi
LIÊN HỆ

Để lại bình luận